Top 10 đội tuyển lớn nhất (quy mô dân số) chưa bao giờ dự World Cup
Một suất tham dự Vòng chung kết World Cup được xem là ước mơ của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thế nhưng để có mặt ở giải bóng đá lớn nhất hành tinh, các đội tuyển quốc gia sẽ cần phải vượt qua vòng loại khu vực. Số suất dự vòng chung kết dựa vào sự phát triển nền bóng đá của khu vực đó.
World Cup 2022 là kỳ World Cup cuối cùng có số đội tham dự là 32. Kể từ World Cup 2026, số đội được nâng lên thành 48 đội và cơ hội được mở ra cho những nền bóng đá ít phát triển hơn. Mặc dù có quy mô dân số đông đảo nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa có cơ hội tham dự một kỳ World Cup. Hãy cùng BLV Vĩnh Toàn tìm hiểu về danh sách Top 10 đội tuyển lớn nhất (quy mô dân số) chưa bao giờ dự World Cup.
Kenya
Xét về quy mô dân số, Kenya đứng thứ 30 với dân số khoảng hơn 47,5 triệu người (thống kê vào năm 2019). Dù là quốc gia rộng lớn về cả dân số và diện tích, nhưng bóng đá Kenya chưa thật sự phát triển so với những quốc gia châu Phi khác đang dần khẳng định vị thế của mình.
Đội tuyển Kenya bắt đầu tham dự Vòng loại World Cup 1974. Kể từ đó đến nay họ đều đặn tham dự vòng loại World Cup nhưng kết quả Kenya đạt được cũng chỉ là con số không. Họ cùng là đội tuyển quốc gia tầm trung của bóng đá châu Phi, đây là châu lục có số vé dự World Cup khá ít so với số quốc gia (chỉ là 5 quốc gia khi tính đến World Cup 2022). Vì thế khó lòng để bóng đá Kenya có thể giành vé dự World Cup trong thời điểm hiện tại.
Myanmar
Về quy mô dân số, Myanmar đứng thứ 26 thế giới với hơn 55 triệu dân. Mặc dù vậy, bóng đá Myanmar vẫn có những dấu ấn rất mờ nhạt trên bản đồ bóng đá thế giới. Thậm chí, đội tuyển Myanmar cũng mới chỉ lần đầu tham dự vòng loại World Cup vào năm 2010.
Kể từ vòng loại World Cup 2010 cho đến 2022, Myanmar không vượt qua vòng loại World Cup bởi họ luôn gặp phải những đối thủ quá mạnh ở châu Á. Chính vì vậy, chúng ta vẫn chưa được chứng kiến đại diện của bóng đá Đông Nam Á góp mặt tại sân chơi World Cup.
Tanzania
Với dân số hơn 61 triệu người, Tanzania cũng là một quốc gia rộng lớn của châu Phi về quy mô dân số lẫn diện tích đất liền. Nhưng thể thao của quốc gia này lại không thật sự mạnh và số lượng VĐV tranh tài ở Olympic cũng rất ít. Tại Olympic Tokyo 2020, chỉ có đúng 3 VĐV của Tanzania tham dự, ít nhất kể từ khi họ góp mặt ở sân chơi Thế vận hội từ năm 1964.
Về môn bóng đá, Tanzania cũng mới dự vòng chung kết Cúp các Quốc gia châu Phi (AFCON) đúng 2 lần vào các năm 1980 và 2019. Nhưng nền bóng đá của quốc gia này được đánh giá là trung bình yếu của bóng đá châu Phi, vì thế giấc mơ dự World Cup của Tanzania cũng là khá xa so với mặt bằng chung của bóng đá châu Phi.
Thái Lan
Đội tuyển Thái Lan trở nên quen thuộc với người hâm mộ bóng đá Việt Nam qua những lần đối đầu với đội tuyển Việt Nam ở mọi cấp độ. Người Thái cũng đã có những hướng đi đúng đắn để vươn tầm châu lục trong nhiều năm qua. Thành quả mà bóng đá Thái Lan gặt hái được gần như chỉ ở cấp độ CLB khi đội bóng Ngân hàng Nông nghiệp Thái Lan có 2 lần đoạt chức vô địch châu Á vào các năm 1994 và 1995.
Nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Thái Lan chưa bao giờ góp mặt tại một kỳ World Cup bởi số đội châu Á giành vé dự World Cup là quá ít so với số quốc gia thuộc Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC). Đội tuyển Thái Lan đã có 2 lần dự vòng loại cuối cùng của World Cup khu vực châu Á (2002 và 2018) nhưng đều đứng cuối bảng trong vòng đấu có quá nhiều đội bóng mạnh.
Việt Nam
Việc góp mặt tại một kỳ World Cup chắc chắn là giấc mơ của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Nhưng cho đến hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn chưa bao giờ có mặt tại World Cup môn bóng đá nam. Kể từ lần đầu tiên tham dự vòng loại World Cup vào năm 1994 sau khi hội nhập kinh tế quốc tế, đội tuyển Việt Nam chưa bao giờ vượt qua vòng loại khu vực châu Á khi phải đối đầu với những đội bóng lớn của châu lục.
Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á chắc chắn là thời điểm đáng nhớ nhất với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi lọt đến vòng loại cuối cùng dành cho 12 đội mạnh nhất. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam xuất sắc đánh bại Trung Quốc 3-1 tại sân Mỹ Đình và cầm hòa Nhật Bản 1-1 ngay trên sân khách. Nhưng chừng đó là không đủ để biến giấc mơ World Cup trở thành hiện thực.
Philippines
Dù là quốc gia có dân số hơn 110 triệu dân, nhưng Philippines không phải là quốc gia có nền bóng đá phát triển. Kể từ lần đầu tiên dự vòng loại World Cup vào năm 1998, Philippines chưa thể tiến sâu hơn và xa hơn vòng loại thứ 2 khu vực châu Á.
Bóng đá Philippines thực hiện công cuộc kêu gọi những cầu thủ có gốc Phi về phục vụ cho đội tuyển quốc gia và cũng đã gặt hái được những thành tựu nhất định. Họ có 4 lần lọt vào bán kết AFF Cup (2010, 2012, 2014, 2018) và 1 lần dự vòng chung kết Asian Cup 2019. Nhưng khoảng cách về trình độ của họ và những nền bóng đá hàng đầu châu lục vẫn còn khá xa.
Cả 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Việt Nam và Philippines đều có một điểm chung chính là họ đều góp mặt tại World Cup bóng đá nữ. Trong khi Thái Lan có 2 lần tham dự FIFA World Cup nữ vào các năm 2015 và 2019, thì Việt Nam và Philippines tham dự ở giải đấu năm 2023.
Ethiopia
Ethiopia là quốc gia châu Phi có 105 triệu dân và xếp thứ 13 thế giới về quy mô dân số. Đây cũng là một trong 3 quốc gia thành viên sáng lập của Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) vào năm 1957 cùng Ai Cập và Sudan. Họ cũng từng giành chức vô địch Cúp các Quốc gia châu Phi năm 1962.
Dù là một trong những quốc gia có truyền thống lịch sử bóng đá châu Phi, thế nhưng Ethiopia chưa có lần nào được vinh dự góp mặt tại một kỳ World Cup. Họ bắt đầu tham dự vòng loại World Cup 1962 và lần mà họ tiến gần đến World Cup nhất chính là vòng loại World Cup 2014. Khi đó Ethiopia để thua với tổng tỷ số 1-4 trước đội tuyển Nigeria sau 2 lượt trận. Qua đó khiến giấc mơ World Cup của quốc gia hùng mạnh châu Phi này tạm gác lại cho đến nay.
Bangladesh
Bangladesh có dân số trên 165 triệu người, đứng thứ 8 thế giới. Nhưng nền bóng đá của Bangladesh nói riêng cũng như bóng đá khu vực Nam Á nói chung là kém phát triển nhất. Nam Á cũng được xem là một trong những vùng trũng của bóng đá thế giới. Trong lịch sử bóng đá nước này, họ cũng chưa từng có bất kỳ dấu ấn nào khi chưa bao giờ dự World Cup và chỉ đúng 1 lần dự Asian Cup năm 1980.
Bangladesh bắt đầu tham dự vòng loại World Cup 1986 và góp mặt đều đặn. Thành tích tốt nhất của họ cũng chỉ là lọt vào vòng loại thứ 2 của World Cup 2022. Tính đến cuối năm 2022, Bangladesh chỉ đứng hạng 192 trên Bảng xếp hạng FIFA.
Pakistan
Pakistan có dân số đông thứ 5 thế giới khi có hơn 235 triệu người, môn thể thao yêu thích của quốc gia này là cricket và bóng đá không phải là ưu tiên số một của đất nước hồi giáo này. Đương nhiên họ là một trong những quốc gia có thứ hạng kém nhất trên Bảng xếp hạng FIFA.
Đội tuyển bóng đá Pakistan tham dự vòng loại World Cup 1990 và cho đến nay họ chưa có bất kỳ trận thắng nào ở vòng loại giải đấu lớn nhất hành tinh, họ chỉ có 4 trận hòa và thua đến 28 trận tính đến vòng loại World Cup 2022. Ở các giải đấu lớn cũng không có sự hiện diện của Pakistan và đã từng có thời điểm họ nằm ngoài top 200 đội bóng đứng đầu bảng xếp hạng FIFA.
Để hiểu rõ hơn về bóng đá Pakistan, bạn hãy nhấp vào đây để xem tiếp nội dung.
Ấn Độ
Trong tương lai không xa, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Tính đến đầu năm 2023, dân số Ấn Độ vượt quá 1,4 tỷ dân. Đội tuyển quốc gia Ấn Độ từng có vé dự World Cup 1950 nhưng chính họ đã xin rút lui khỏi giải đấu diễn ra tại Brazil bởi theo như LĐBĐ Ấn Độ (AIFF) xác nhận rằng họ cảm thấy việc di chuyển bằng tàu thủy là không phù hợp, thậm chí phía Brazil còn đề nghị tài trợ chi phí đi lại nhưng AIFF đã từ chối.
Cũng có một giả thuyết khác về nguyên nhân khiến Ấn Độ rút lui khỏi giải đấu năm 1950 là việc FIFA không cho phép cầu thủ thi đấu bằng đôi chân trần. Tuy nhiên, đội trưởng tuyển Ấn Độ khi đó là Sailen Manna khẳng định rằng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến việc họ xin rút lui, đó đơn giản bởi vì họ coi trọng Thế vận hội hơn cả World Cup.
Cũng kể từ đó họ vẫn chưa lần nào góp mặt tại World Cup bởi sự thay đổi quá nhanh về thời thế và sự chững lại của bóng đá Ấn Độ. Đội tuyển quốc gia Ấn Độ tỏ ra lép vế so với những ông lớn khác của bóng đá châu Á nên họ không thể vượt qua vòng loại. Kể từ vòng loại World Cup 1986, Ấn Độ chưa bao giờ vượt qua vòng loại thứ 2 để bước vào vòng loại cuối dành cho những đội mạnh nhất châu lục.
Vừa rồi là Top 10 đội tuyển lớn nhất (quy mô dân số) chưa bao giờ dự World Cup. BLV Vĩnh Toàn sẽ tiếp tục gửi đến độc giả những thông tin về bóng đá qua những bài viết sau. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy Ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!