Đánh giá tác động kinh tế từ World Cup
Bằng cách so sánh các tác động kinh tế ngắn hạn và dài hạn của World Cup đối với các quốc gia tổ chức sự kiện này, bài viết này sẽ minh chứng một cách định tính rằng World Cup có những tác động tích cực về lâu dài. Bài viết tập trung vào ba khía cạnh cụ thể trong việc tổ chức: Hiệu ứng từ các SVĐ, hiệu ứng tinh thần và ảnh hưởng của Cúp đối với nhận thức quốc tế về nước chủ nhà.
Giải vô địch bóng đá thế giới, được biết đến là một những sự kiện thể thao lớn nhất trên thế giới, thường được các quốc gia đăng cai tiềm năng đặt mục tiêu lợi nhuận cao. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện tại chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước chủ nhà thấp hơn kỳ vọng. Một số nhà kinh tế khẳng định rằng không có sự tăng trưởng kinh tế ngắn hạn nào trong các lĩnh vực du lịch, bán lẻ, lưu trú và việc làm của các nước sở tại (Allmers & Maennig, 2009; Matheson, 2012). Đối với các tác động dài hạn, một số học giả nhận định rằng không thể thúc đẩy bốn lĩnh vực kể trên (Fedderson, Grotzinger và Maennig, 2009) trong khi một số khác cho rằng các yếu tố có lợi khác không ảnh hưởng đến các nước chủ nhà trong thời gian ngắn.
Theo người viết, World Cup không thể mang lại lợi nhuận trong thời gian ngắn, nhưng sẽ có tác động tích cực về lâu về dài, được phân tích dài hạn xét theo nhiều yếu tố. Những yếu tố này bao gồm: Những SVĐ được làm mới, hiệu ứng tinh thần từ người dân và ảnh hưởng từ WC đối với nhận thức quốc tế về nước chủ nhà. Không phải tất cả các yếu tố đều ảnh hưởng đến mọi quốc gia chủ nhà ở mức độ như nhau, một số còn có thể làm tổn thất đến lợi ích của các đất nước này. Nhưng bài viết này sẽ chứng minh rằng các tác động dài hạn, xét về tổng thể, hóa ra là tích cực.
Để chứng minh cho lập luận này, người viết xin giới thiệu sơ lược về các cuộc tranh luận trong các tác động ngắn hạn, sau đó minh họa các lý do vì sao những yếu tố quyết định khác nhau nên được xem xét về lau dài, cuối cùng tập trung đánh giá chi tiết ba yếu tố dài hạn để minh chứng tại sao các tác động chung là tích cực. Vì nghiên cứu hiện tại về tác động kinh tế từ World Cup có xu hướng khá bi quan, nên cần khám phá những tác động tích cực của giải đấu để “cứu rỗi” sự kiện này, nếu không sẽ không có quốc gia nào sẵn sàng đăng cai trong tương lai. Hơn nữa, việc tìm ra những ích lợi lâu dài của World Cup sẽ phụ trợ tốt hơn cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định có cân nhắc, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho cả đất nước và người dân.
Tranh luận về tác động ngắn hạn
Nhiều chính trị gia và nhà kinh tế trong hai thập kỷ qua giữ quan điểm lạc quan về tác động ngắn hạn của World Cup, tin rằng bằng cách tăng nhu cầu du lịch nội địa và bán lẻ, World Cup sẽ mang lại doanh thu và việc làm bổ sung cho nước chủ nhà. Để hỗ trợ tuyên bố này bằng dữ liệu, công ty kế toán quốc tế Grant Thornton(2004) đã dự đoán rằng World Cup 2010 ở Nam Phi sẽ tạo ra 2,5 tỷ đô la, 159.000 việc làm hằng năm và 845,8 triệu đô la tiền thuế Chính phủ. Elmer Sterken (2006), với tư cách là giáo sư kinh tế Đại học Groningen, cũng khẳng định rằng World Cup làm tăng doanh số bán hàng của các nhà sản xuất cơ sở thể thao và nhà máy bia.
Dẫu vậy thì nhiều nhà kinh tế khác trong vòng năm năm qua nghi ngờ khả năng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Họ cho rằng nhiều doanh nhân và du khách thường xuyên không quan tâm đến World Cup sẽ bị “chèn ép” bởi những NHM thể thao. Các nhà hàng, khách sạn đông đúc và đắt đỏ trong dịp diễn ra sự kiện, và những du khách này có thể hoãn hoặc hủy hành trình đến nước sở tại để tránh căng thẳng không mong muốn. Vì vậy, World Cup chỉ thay đổi đối tượng du khách của nước chủ nhà chứ không làm tăng số lượng. Điều đó cho thấy rằng, trong khi nguồn thu do khách du lịch mang lại vẫn khả quan thì mức tăng doanh thu thực tế rất nhỏ hoặc thấp hơn so với kì vọng. Ngoài ra, Arne Fedderson, Andre Grotzinger, & Wolfgang Mennig(2009), tất cả thành viên của khoa tại Khoa Kinh tế Đại học Hamburg, tuyên bố rằng chỉ có chi tiêu từ nước ngoài mới mang lại thêm tiền cho các nước sở tại. Người dân trong nước chỉ chuyển chi tiêu của họ sang chi tiêu liên quan đến World Cup, nhưng tổng lượng tiền ở thị trường trong nước không thay đổi trừ khi lãi suất thay đổi, một điều rất khó xảy ra. Do đó, doanh thu do chi tiêu nước ngoài là thấp hơn so với toàn bộ GDP. Ngoài ra, nhiều khách sạn cao cấp thuộc sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài, phần lớn doanh thu lưu trú tăng thêm thực chất là từ nước sở tại.
Sự khác biệt giữa ngắn hạn và dài hạn
Dựa trên các cuộc tranh luận về chi phí và lợi ích ngắn hạn, một số học giả sử dụng các số liệu tương tự để đánh giá tác động dài hạn của World Cup, tập trung vào những thay đổi trong việc làm, du lịch, chỗ ở và bán lẻ. Chẳng hạn, giáo sư Florian Hagn và Maennig(2007) đã đánh giá tác động việc làm lâu dài của World Cup 1974 ở Đức để thấy rằng sự kiện này không có tác động tích cực đến việc tăng tỉ lệ việc làm sau 30 năm. Tương tự, các học giả khác nhận thấy rằng các tác động dài hạn đối với du lịch, lưu trú và bán lẻ cũng không đáng kể ở hầu hết các nước chủ nhà. Do đó, các học giả này tin rằng việc tổ chức World Cup không có tác động kinh tế tích cực lâu dài đối với nền kinh tế quốc gia đăng cai.
Tuy nhiên, trong bài viết này, có ý kiến cho rằng những tác động tích cực lâu dài không được phản ánh ở việc làm hay chỗ ở như đề cập ở trên, mà nằm ở những khía cạnh như SVĐ, trạng thái tâm lý của người dân và hình ảnh của nước chủ nhà. Trong thời gian ngắn, lượng người hâm mộ tăng đột biến sẽ trực tiếp kích thích tiêu dùng trong lĩnh vực bán lẻ, lưu trú, du lịch và việc làm tạm thời. Nhưng điều kiện này không phù hợp với mục tiêu dài hạn, vì NHM sẽ rời nước chủ nhà khi World Cup kết thúc. Vì vậy, các chương trình khuyến mãi trên các “lĩnh vực ngắn hạn” này trong dài hạn là không rõ ràng vì sự kích thích như vậy không tồn tại về sau.
Những điều này sẽ không có tác động tích cực đến nền kinh tế dài hạn. Mà thay vào đó, những lợi ích được phản ánh trên các yếu tố tương đối “gián tiếp” hoặc “vô hình”, được định nghĩa bởi Maenigg(2007) là tác động mới lạ của các SVĐ mới, hiệu ứng tinh thần từ người dân và tác động từ Cúp thế giới đối với nhận thức quốc tế về quốc gia tổ chức. Người viết xem những yếu tố này là đại diện chính xác nhất cho tác động thực sự của giải đấu, bất chấp sự tồn tại của các phép đo khác như tăng đầu tư và tỉ lệ sinh cao hơn. Trên thực tế, ba điểm đánh giá được bao hàm nhiều thay đổi bổ sung này, vì nhận thức quốc tế thường truyền cảm hứng cho đầu tư bổ sung và ảnh hưởng tốt đẹp thường làm tăng tỉ lệ sinh của các quốc gia. Một số người thắc mắc tại sao không sử dụng GDP để đo lường sự tăng tưởng kinh tế dài hạn. Nhưng theo người viết, đó không phải là chỉ số chính xác, vì ngay cả GDP thực được điều chỉnh theo lạm phát cũng tiềm ẩn những vấn đề lặp đi lặp lại và đánh giá sai chỉ số lạm phát. Hơn nữa, rất khó để biết tại sao và ở đâu tăng trưởng kinh tế xảy ra bằng cách sử dụng GDP. Vì vậy, thông qua việc xem xét toàn diện, bài viết sẽ phân tích một cách định tính các tác động dài hạn như đã đề cập đầu bài.
Hiệu ứng từ các SVĐ mới
Các SVĐ có có chi phí rất lớn đối với các nước chủ nhà. FIFA yêu cầu các nước chủ nhà phải có ít nhất 12 SVĐ đạt tiêu chuẩn phân tán ở các thành phố đăng cai. SVĐ chính cần có sức chứa 80.000 người trở lên, trong khi các sân khác cần đảm bảo 40.000 chỗ ngồi. Ngoài ra, các SVĐ cần 3 tỉ đô la mỗi năm để duy trì.
Bất chấp chi phí, hầu hết các nước chủ nhà đều xem các SVĐ là khoản đầu tư sinh lợi nhuận từ vé xem các trận đấu trong và sau giải đấu. Trong khi doanh thu bán vé trong thời gian diễn ra World Cup là khá lớn thì doanh thu sau đó còn đáng kể hơn. Sau World Cup, thông thường tất cả các CLB trong nước sẽ sử dụng làm sân nhà. Một số quốc gia đăng cai như Đức và Pháp có các giải bóng đá hàng đầu hấp dẫn hơn các giải đấu thông thường khác nên NHM đến xem các trận đấu trong tương lai có thể lấp đầy các SVĐ ở những trận đấu sau đó. Các SVĐ hiện đại thường cung cấp chỗ ngồi, quang cảnh và ánh sáng tốt hơn, vì thế khán giả sẽ tò mò và sẵn sàng mua vé xem các sự kiện thể thao dù cho mức phí cao hơn sau World Cup. Doanh thu này có thể rất lớn. Giả sử mỗi tuần một SVĐ tổ chức sự kiện cho 50.000 NHM thì việc tăng chi tiêu mua vé này có thể bù đắp cho việc bảo trì các SVĐ trong những năm qua.
Bên cạnh doanh thu từ việc bán vé, vị thế “biểu tượng” và tầm ảnh hưởng trong tương lai của SVĐ đối với khu vực lân cận cũng mang lại lợi ích cho nước chủ nhà. Một số SVĐ như Allianz Arena tại Munich và Wembley ở London, đã trở thành những sân mang tính biểu tượng của các thành phố đăng cai. Những sân mang tính biểu tượng này giúp nâng cao nhận thức về các thành phố đăng cai và thu hút đầu tư cũng như du lịch. Người ta đã chứng minh rằng số lượng khách du lịch và khán giả trung bình sau World Cup đã tăng 60% so với trước World Cup, cho thấy tầm ảnh hưởng của biểu tượng có ý nghĩa rất lớn đối với nước chủ nhà về du lịch. Một số lợi ích khác mà các SVĐ mang lại là các cơ sở hạ tầng phi thể thao mọc lên xung quanh, chẳng hạn như mạng lưới giao thông được mở rộng và cùng với đó là các lĩnh vực kinh doanh mới, được kích cầu bởi World Cup.
Tuy nhiên, hiệu ứng từ các SVĐ chỉ mang lại lợi ích cho các nước chủ nhà đang phát triển hơn là các nước chủ nhà đang phát triển. Thông thường, các nước đang phát triển chi nhiều tiền hơn để xây dựng các SVĐ mới hơn là các nước phát triển, những nước đã có sẵn những sân đạt tiêu chuẩn của World Cup. Đối với việc sử dụng World Cup, số người tham dự sự kiện tại Nam Phi 2010 trung bình đạt 7.500, với nhiều SVĐ không được sử dụng hoàn toàn sau giải. Hơn nữa, không giống như nhà ở danh cho các VĐV có thể chuyển đổi thành các dịch vụ khác để kiếm tiền, các SVĐ “khá khó chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác” nếu bị bỏ hoang. Vì lượng người khá thấp này, các nước đang phát triển hiếm khi được hưởng doanh thu từ vé xem các trận đấu sau World Cup và không thể thúc đẩy nền kinh tế khu vực lân cận.
Do đó, khi đánh giá tác động từ các SVĐ mới, các quốc gia chủ nhà phát triển và đang phát triển nên được thảo luận riêng. Các nước chủ nhà phát triển chi ít tiền hơn cho các SVĐ nhưng được nhận lợi ích nhiều hơn từ chúng, trong khi các nước chủ nhà đang phát triển đi theo chiều hướng ngược lại. Tóm lại, lợi ích từ các SVĐ chỉ có lợi cho các quốc gia chủ nhà phát triển.
Hiệu ứng tinh thần đối với công dân các nước chủ nhà
Lần đầu tiên được định nghĩa bởi Allmers & Maennig(2009), hiệu ứng tinh thần là “lợi ích của người dân” nước sở tại, ngay cả đối với cá nhân không đến SVĐ. Họ giải thích rằng “bầu không khí tự do và thoải mái” trong thời gian diễn ra World Cup, hoặc các chủ đề trò chuyện ngày càng nhiều khiến người dân hạnh phúc và tự hào hơn so với những gì họ có thể làm, và vì thế cũng sẵn sàng tiêu dùng hơn. Sức mua tăng lên, được đo bằng mức sẵn sàng chi trả (WTP), được chứng nhận định lượng bởi Heyne et al.(2009). Trên cơ sở nghiên cứu ex ante (trước sự kiện), và ex post (sau sự kiện), về World Cup 2006 ở Đức 2006, họ phát hiện rằng WTP trung bình của công dân tăng từ 4,26 euro/ người lên 10,0 euro/người sau World Cup. Nếu nhân với tổng số 82 triệu dân, mức tăng tương ứng sẽ vào khoảng 479,3 triệu euro. Kavetsos & Szymanski (2008) đã xác nhận lại lý thuyết rằng việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn như World Cup hay Olympic có thể thúc đẩy hạnh phúc của cư dân. Trong quá khứ, hiệu ứng tinh thần đã bị nhiều nhà kinh tế cho là “không hữu ích”, bởi vì chỉ một bộ phận nhỏ người dân tham dự trong giải đấu mới có ảnh hưởng. Tuy nhiên, Maennig (2007) khẳng định “tác động vô hình” này có thể áp dụng cho mọi công dân của nước sở tại và hoàn toàn có thể định lượng được.
Hơn nữa, “sự sẵn sàng chi trả” này sẽ cải thiện bầu không khí kinh tế trong nước từ bi quan sang lạc quan, thường được chỉ ra trên thị trường chứng khoán. Các học giả người Anh JK Ashton, B.Gerrard & R.Hudson (2003) đã chứng minh thành tích tốt của tuyển Anh tại World Cup có thể nâng giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán London. Và người ta thừa nhận rằng một thị trường chứng khoán thịnh vượng có xu hướng mang lại nhiều sức sống hơn cho đất nước. Mặt khác, nếu có cảm giác tốt về chiến thắng của đội nhà kết hợp với sự gia tăng tinh thần dân tộc do đăng cai tổ chức, thì kết quả thậm chí có thể cải thiện năng suất và hiệu quả. Ví dụ như Hàn Quốc đã có một sự bùng nổ kinh tế đáng kể sau World Cup 2002 được tổ chức cùng với Nhật Bản. Kể từ khi bóng đá có sự uy tín quốc gia cao ở Hàn Quốc, nó cho thấy rằng cả động lực sản xuất và hiệu quả sản xuất của công nhân đều tăng lên đáng kể khi World Cup được tổ chức tại Hàn Quốc.(Kim, 2001). Vì vậy, hiệu ứng tốt đẹp không chỉ làm tăng sức mua của người dân mà còn tăng cường sức sống của các ngành công nghiệp trong nước.
Mặc dù khía cạnh tinh thần rất khó để đo lường, nhưng người ta chấp nhận rộng rãi rằng hiệu ứng tích cực có thể ảnh hưởng đến nước chủ nhà trong thời gian dài. Với việc ngày càng có nhiều học giải chú ý đến tính hợp pháp của hiệu ứng tinh thần, nhiều nghiên cứu định lượng hơn chắc chắn sẽ được tiến hành liên quan đến nó trong tương lai.
Cải thiện nhận thức quốc tế
Hiệu ứng vô hình cuối cùng của World Cup đến từ nhận thức quốc tế được nâng cao về quốc gia/thành phố đăng cai. Với sự tiếp xúc quốc tế rộng rãi thông qua các phương tiện truyền thông trong thời gian diễn ra World Cup, nước chủ nhà trở thành tâm điểm của cộng đồng quốc tế. Hệ thống giao thông thuận tiện, an ninh ấn tượng và cơ sở vật chất tiên tiến ở quốc gia sở tại – tất cả đều được nêu bật trên các phương tiện truyền thông đại chúng – sẽ nâng cao đáng kể về nhận thức của một quốc gia (Maennig & Porsche, 2008). Ví dụ như vị thế của Đức đã được nâng cao từ các quốc gia khác theo Allmers và Maennig(2009), trong đó “hình ảnh Đức trước đây ở nước ngoài” là không mấy thiện cảm. Không phải là một quốc gia gắn liền với sự ấm áp, lòng hiếu khách, vẻ đẹp vắn hóa hay hạnh phúc, nhưng nó đã được cải thiện nhờ tấm giấy thông hành mang tên World Cup. Hình ảnh đất nước được nâng cao này sẽ tăng cường thương mại & đầu tư quốc tế. Cụ thể, dòng vốn tăng nhanh trong giai đoạn đấu thầu trước World Cup, bởi trong giai đoạn đấu thầu, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn.
Nhận thức nâng cao này không chỉ có lợi cho đầu tư mà còn cho cả ngành du lịch trong tương lai. Chẳng hạn như lượng khách tận hưởng chuyến du hí World Cup của mình có thể sẽ muốn quay lại sau này. Người xem trên truyền hình cũng có thể thấy nước chủ nhà hấp dẫn ra sao và quyết định đi du lịch ở đó trong tương lai. Tổ chức World Cup thực sự là một quá trính xây dựng cho nước chủ nhà và nhận thức được nâng cao. Kết quả của quá trình này giúp quốc gia chủ nhà tiếp tục thu hút khách du lịch và vốn đầu tư. Ngoài ra, các nước đang phát triển cũng sẽ được nâng cao hình ảnh, vì thế mà các nước này sẽ có nhiều tiềm năng hơn so với các quốc gia phát triển.
Bất chấp tất cả từ nhận thức quốc tế được cải thiện, một số học giả như Matheson, giáo sư tại Đại học Holy Cross, nghi ngờ rằng không phải tất cả sự công khai liên quan đến việc tổ chức World Cup đều tích cực. Các vụ hối lộ, bê bối hay khủng bố sẽ làm giảm uy tín của nước sở tại. Tuy nhiên những điều này là hiếm khi xảy ra. Nhìn chung thì World Cup đã cung cấp một nền tảng để các nước chủ nhà thể hiện mình với thế giới và hiệu ứng quảng cáo này của nó có sức ảnh hưởng lớn hơn so với những vụ bê bối không thường xuyên. Các quốc gia khác nhau có những vấn đề khác nhau với cường độ cũng khác biệt.
Kết Luận
Bằng cách phân tích các yếu tố khác nhau từ ngắn hạn và dài hạn, World Cup nhìn chung có các tác động kinh tế tích cực trong tương lai lâu dài. Hiệu ứng tinh thần từ người dân và nhận thức từ quốc tế rõ ràng sẽ mang lại lợi nhuận cho các nước sở tại. Hiệu ứng từ SVĐ mới mang lại lợi ích cho các nước chủ nhà phát triển trong khi các nước đang phát triển sẽ nhận thiệt hại từ điều này. Nhưng vì hai yếu tố đầu tiên có khả năng ảnh hưởng lớn hơn với các nước đang phát triển, nên có lý do cho rằng ngay cả các quốc gia đang phát triển vẫn sẽ nhận được tác động tích cực từ World Cup về lâu dài.
Lược dịch : Assessing the Long-term Economic Impacts of the World Cup as Mega-sport Event
– Duy Hùng –