Tất tần tật về bóng đá sân 7 người – Xu hướng của bóng đá phong trào

Tất tần tật về bóng đá sân 7 người – Xu hướng của bóng đá phong trào

Hiện nay, bóng đá sân 7 người được xem là một xu hướng mới của các đội bóng phong trào. Cùng với đó, rất nhiều sân bóng cũng không ngừng nỗ lực thiết kế kích thước sao cho phù hợp với tiêu chuẩn được VFF đề ra. Hãy cùng BLV Vĩnh Toàn tìm hiểu về bóng đá sân 7 người để giúp người đọc hiểu rõ và nắm được luật chơi qua phần nội dung dưới đây của bài viết.

Bóng đá sân 7 người là gì?

Bóng đá sân 7 người cũng là loại hình bóng đá phong trào (bóng đá nghiệp dư hay bóng đá phủi) dành cho mọi lứa tuổi, giới tính. Mỗi trận có 2 đội bóng, mỗi đội sẽ có 7 cầu thủ được thi đấu trên sân. Sân bóng 7 người cũng là một biến thể khác với kích thước rộng hơn và các quy tắc cũng không có nhiều khác biệt so với sân bóng đá 5 người.

Khác với sân bóng 5 người và 11 người, sân bóng đá 7 người vẫn chưa được FIFA công nhận mà mới chỉ được Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ban hành luật vào tháng 8/2023. Mặc dù vậy, bóng đá 7 người lại nở rộ ở các sân bóng tại Việt Nam và là xu hướng mới cho sự phát triển của bóng đá phong trào. Từ đó, sân bóng 7 người cũng trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với phong trào TDTT quần chúng.

Thiết kế sân 7 cũng tùy thuộc vào quy hoạch của sân bóng đó ra sao. Thông thường các sân sẽ ghép 2-3 sân bóng đá 5 người thành 1 sân 7 người hoặc cũng được quy hoạch riêng thành 1 sân 7 duy nhất có kích thước được đo theo tiêu chuẩn của VFF đề ra theo luật.

Tất tần tật về bóng đá sân 7 người – Trào lưu của bóng đá phong trào

Vì sao bóng đá sân 7 người phát triển nhanh chóng?

Để có thể giải thích được lý do vì sao cho sự phát triển của một loại hình bóng đá đang là xu hướng của thể thao phong trào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi chút về những gì mà khán giả cũng như người chơi bóng đá phong trào trải nghiệm.

Bóng đá phong trào hiện nay đang có sức hút cực lớn một phần cũng bởi công tác truyền thông cực kỳ tốt. Các đơn vị truyền thông, tổ chức sự kiện cũng không ngừng nỗ lực để quảng bá hình ảnh cho giải đấu, cầu thủ tốt nhất có thể trên nền tảng mạng xã hội. Thực tế, bóng đá sân 7 đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng thời kỳ đó mạng xã hội chưa phải là nền tảng và phương tiện để truyền tải thông tin được rộng rãi như hiện nay.

Ngoài ra, một số công ty cũng đầu tư rất mạnh tay để tổ chức các giải bóng đá sân 7. Điển hình như VietFootball khi công ty này tổ chức nhiều giải bóng đá sân 7 với sự tham gia của rất nhiều ngôi sao tên tuổi trong làng bóng đá phủi. Công ty VietFootball còn nâng tầm chất lượng của giải bóng đá sân 7 khi tổ chức cả một giải đấu quốc tế với sự tham gia của các đội bóng nước ngoài.

Thậm chí, sức hút của bóng đá phong trào sân 7 còn khiến cho những giải bóng đá chuyên nghiệp như V.League hay Futsal vô địch quốc gia cũng phải thèm muốn. Các giải bóng đá 7 người hiện nay còn được phát sóng trực tiếp trên truyền hình cộng với các nền tảng mạng xã hội khiến sức hút của giải đấu này lại cực kỳ lớn. Đây cũng là dịp để các cầu thủ chơi bóng đá phong trào có thể nắm bắt cơ hội để được thi đấu cho những đội bóng chuyên nghiệp.

Tất tần tật về bóng đá sân 7 người – Trào lưu của bóng đá phong trào
Phong trào bóng đá sân 7 phát triển mạnh trong những năm qua (Nguồn ảnh: FS Photographer)

Bóng đá phong trào nói riêng cũng như thể thao phong trào cũng phát triển rất nhiều khi xuất hiện các “ông bầu”. Họ sẵn sàng chi tiêu để đội bóng được hoạt động một cách chuyên nghiệp, bài bản không thua kém một CLB bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.

Yếu tố tiên quyết đến sự phát triển nhanh chóng mặt của sân 7 người chính là ở điều kiện tài chính của người dân. Nếu đầu tư và “nuôi” một đội bóng sân 7 sẽ nhẹ hơn rất nhiều so với sân 11 người. Cùng với đó, sân 7 người cũng rất phù hợp với thể trạng của người dân Việt Nam có vóc dáng nhỏ người, vì thế mô hình sân 7 người cũng mang tính chất đại trà hơn so với nhiều sân khác.

Cơ hội phát triển và vươn tầm của bóng đá sân 7 người

Cơ hội để bóng đá sân 7 người tại Việt Nam có thể vươn tầm quốc tế là rất lớn bởi sự phát triển nhanh chóng mặt của loại hình này. Thực tế, đội tuyển chọn bóng đá 7 người Việt Nam cũng đã thể hiện sự vượt trội so với những nước trong khu vực khi thi đấu tại giải bóng đá quốc tế khi có những chiến thắng trước các đội bóng của Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Hơn nữa khi nhìn rộng ra ở thế giới, bóng đá sân 7 cũng đã xuất hiện ở một số quốc gia nhưng chỉ ở trong giai đoạn đầu mới phát triển. Liên đoàn bóng đá quốc tế sân 7 người (IFA7) được thành lập vào năm 2015 và hiện nay mới chỉ có 27 quốc gia thành viên trong liên đoàn này. Ngoài ra, cũng mới chỉ có 20 quốc gia có hệ thống giải vô địch quốc gia sân 7, trong đó có Việt Nam.

IFA7 mới chỉ có 5 giải đấu quốc tế cho các CLB và ĐTQG. Vì vậy, nếu Việt Nam gia nhập tổ chức này sẽ là cơ hội lớn để bóng đá sân 7 của nước nhà phát triển hơn nữa. Cùng với đó là cơ hội để Việt Nam có thể vươn tầm ở các sân chơi quốc tế trong tương lai, không gặp nhiều khó khăn như sân 11 người.

Tất tần tật về bóng đá sân 7 người – Trào lưu của bóng đá phong trào
Các giải bóng đá sân 7 dần trở nên chuyên nghiệp hơn với các giải như SPL, HPL và VPL (Nguồn ảnh: VietFootball)

Những luật cơ bản cần phải nắm của bóng đá sân 7 người

Luật bóng đá sân 7 người hiện nay mới chỉ được áp dụng cho các giải bóng đá phong trào theo quy định của VFF. Sau đây, BLV Vĩnh Toàn chỉ nêu ra một số chi tiết quan trọng và cơ bản nhất để bất kỳ người chơi bóng đá sân 7 nào có thể nắm rõ về luật.

1/ Về sân thi đấu, chiều dài (đường biên dọc) của sân tối thiểu 45m, tối đa 60m. Còn chiều rộng (đường biên ngang) tối thiểu 30m và tối đa 40m. Trên thực tế, BTC của giải đấu hoàn toàn có thể đưa ra quyết định về chiều dài và chiều ngang sân tùy thuộc vào quy hoạch của sân bóng đó như thế nào.

2/ Cầu môn sân 7 có chiều dài (khoảng cách giữa mép trong hai cột dọc) là 4,2m, chiều rộng (khoảng cách giữa mép trong xà ngang với mặt đất) là 2,2m. Cầu môn đúng với quy định là khi hai cột dọc nằm trên đường biên ngang.

3/ Kích thước quả bóng để chơi ở sân 7 người có chu vi trong khoảng 68-70cm, trọng lượng quả bóng từ 410-450g. Áp suất quả bóng trong khoảng 600 – 1,100g/cm2 ở mực nước biển.

4/ Một trận đấu phải có hai đội, mỗi đội phải có tối đa 7 người trên sân, trong đó có 1 thủ môn. Trận đấu không được diễn ra nếu một trong hai đội không đủ 4 cầu thủ. Theo luật bóng đá sân 7 người được VFF ban hành, mỗi đội được phép thay tối đa cả 7 cầu thủ trong 1 trận, mỗi đội có tối đa 4 lượt thay người và có thể thêm 1 lượt thay trong giờ nghỉ giữa hai hiệp đấu.

5/ Thời gian thi đấu được chia thành 2 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 35 phút. Thời gian thi đấu có thể được rút ngắn lại nếu có sự nhất trí từ trọng tài cũng như cả hai đội trước khi bắt đầu trận đấu với điều kiện tuân theo Điều lệ giải.

6/ Đặc biệt, bóng đá 7 người không áp dụng luật việt vị.

7/ Đá phạt gián tiếp cho đội tấn công đối với lỗi vi phạm kỹ thuật trong khu phạt đền của đội đối phương. Đội đá phạt gián tiếp không được ghi bàn trực tiếp mà bóng phải chạm vào cầu thủ khác của một trong hai đội thì bàn thắng mới được công nhận. Nếu bóng đi thẳng vào lưới từ cú đá phạt gián tiếp, bàn thắng không được công nhận và đội đối phương được hưởng pha phát bóng lên.

8/ Trong trường hợp đá phạt đền, khoảng cách giữa chấm phạt đền và cầu môn tối thiểu là 6m. Một số sân bóng có khoảng cách giữa chấm đá phạt đền với cầu môn là 9m.

Trên đây chỉ là những điều cơ bản nhất để người chơi bóng đá sân 7 có thể nắm rõ được luật chơi một cách đơn giản. Nhưng để có thể nắm rõ hơn nữa về luật chơi và tìm hiểu tường tận về bộ môn này, bạn có thể xem thêm luật Bóng đá sân 7 người TẠI ĐÂY.

Vừa rồi BLV Vĩnh Toàn giúp bạn tìm hiểu về bóng đá sân 7 người. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *