Tiêu chuẩn kép của cổ động viên bóng đá Việt Nam như thế nào?
Tiêu chuẩn kép đã trở nên quá quen thuộc với người dùng mạng xã hội, diễn ra nhiều tình huống khác nhau trong xã hội. Ngay cả trong bóng đá cũng có những tiêu chuẩn kép được đặt ra và chủ yếu đến từ bộ phận khán giả. Họ quá vội vàng để đưa ra những tiêu chuẩn “khắt khe” với cầu thủ, đội bóng, giải đấu… dù ở những nơi khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hãy cùng BLV Vĩnh Toàn tìm hiểu về vấn đề này qua phần nội dung chi tiết dưới đây. Nhưng trước khi đọc bài viết này, độc giả nên biết rằng đây là bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của admin.
Tiêu chuẩn kép là gì?
Theo wikipedia, tiêu chuẩn kép là việc áp dụng các bộ nguyên tắc khác nhau cho các tình huống về nguyên tắc là giống nhau. Điều này xảy ra khi hai hoặc nhiều người, nhóm, tổ chức, hoàn cảnh hoặc sự kiện có bản chất giống nhau nhưng lại được đối xử khác nhau dù lẽ ra họ phải được đối xử theo cùng một cách.
Để dễ hiểu hơn về từ “tiêu chuẩn kép”, Margaret Eichler – tác giả cuốn sách cuốn “The Double Standard: A Feminist Critique of Feminist Social Science” giải thích rằng tiêu chuẩn kép ngụ ý là hai thứ giống nhau về bản chất và sự vật nhưng lại được đo lường bằng hai tiêu chuẩn khác nhau.
Ngoài ra, tiêu chuẩn kép là cùng một sự việc, hành động, người này làm thì nói là đúng nhưng người kia làm thì lại bảo rằng đó là sai. Đó là luật lệ của người này nhưng ngoại lệ với người khác. Điều này thể hiện rõ tính cách hai mặt, tính lợi dụng thời cơ một cách thực dụng, mập mờ và không theo bất kỳ nguyên tắc nào. Như vậy, tiêu chuẩn kép được xem là một hành vi tiêu cực vì nó thường chỉ ra sự hiện diện của hành vi đạo đức giả, thiên vị, bất công hay bất bình đẳng.
Để có thể biết rõ hơn khái niệm này, bạn có thể xem thêm: Tiêu chuẩn kép là gì?
Tiêu chuẩn kép của cổ động viên bóng đá Việt Nam
Khán giả xem bóng đá tại Việt Nam thật sự rất đông, nhưng đa phần họ xem bóng đá chỉ vì sự xuất hiện của đội tuyển Việt Nam là chủ yếu. Cùng một vụ việc xảy ra nhưng có người thì lên án mạnh mẽ và cũng có người lên tiếng khen ngợi hoặc động viên, an ủi.
Tại SEA Games 31, khi đội tuyển nữ Việt Nam giành huy chương Vàng môn bóng đá nữ, ông Phạm Thanh Hùng, Trưởng Ban bóng đá nữ kiêm Trưởng đoàn Bóng đá nữ Việt Nam xuống sân ăn mừng cùng các cô gái vàng. Ông còn đứng trên bục nhận huy chương cùng các cầu thủ. Ngay sau đó, có một vị hàm kỹ sư và cả một vị hàm giảng viên đại học đã đăng hình ảnh ông Hùng ăn mừng cùng các cầu thủ trên mạng xã hội Facebook, cùng hình ảnh vị trọng tài rút chiếc băng vệ sinh để phạt ông này vì tội dám đứng cùng hàng với các tuyển thủ trên bục nhận huy chương và ghi lời chú thích: “Kết cục tất yếu của bọn ăn chính đá phụ”.
Ở phần bình luận bài viết, tác giả bài viết giải thích rằng: “…ông này bắng nhắng loi choi. Ông loi choi vào chỗ nhận huy chương rất vô duyên… Ông này không được nhận huy chương mà vẫn lên để nhận, rất phản cảm trong mắt người dân và bạn bè quốc tế lắm ru”. Ngoài ra, tác giả còn chốt hạ bằng câu: “Có lẽ phải cho các quan chức thể thao học lại nghi lễ để khỏi làm xấu đi hình ảnh quốc gia”.
Trong khi đó, bà Madam Pang – Trưởng đoàn bóng đá Thái Lan cũng lên bục nhận huy chương Bạc môn bóng đá nam tại SEA Games 31. Không có bất kỳ người hâm mộ bóng đá Việt Nam và Thái Lan nào chê trách hành động của nữ trưởng đoàn bóng đá Thái Lan. Đó được xem là một ví dụ điển hình cho tính tiêu chuẩn kép của cổ động viên bóng đá Việt Nam.
Tại AFF Cup 2022, Đoàn Văn Hậu là tâm điểm khi phải hứng chịu không ít lời chỉ trích từ người hâm mộ. Anh có những tình huống chơi bóng tiểu xảo, thường xuyên có những động tác thừa với cầu thủ đối phương. Ngay lập tức những đoạn video về những tình huống chơi xấu của Văn Hậu được chia sẻ rộng khắp mạng xã hội với tốc độ chóng mặt.
Tiểu xảo cũng là một phần trong bóng đá và các cầu thủ sẵn sàng ra sân thi đấu vì màu cờ sắc áo. Đơn cử với trường hợp Luis Suarez từng làm khi dùng tay chơi bóng trong trận tứ kết World Cup 2010 gặp Ghana để giúp đội tuyển Uruguay thoát khỏi bàn thua trông thấy. Khoảnh khắc đó lại giúp Su “thỏ” trở thành người hùng dân tộc của Uruguay.
Bên cạnh đó, Sergio Ramos liên tục có những hành vi chơi tiểu xảo trước các cầu thủ Liverpool trong trận chung kết Champions League 2017-18. Trung vệ người Tây Ban Nha cũng khiến Mohamed Salah phải rời sân do chấn thương vai. Qua đó cục diện trận đấu thay đổi và giúp Real Madrid giành chức vô địch Champions League năm đó. Sau trận đấu, Ramos lại được CĐV Real Madrid ca ngợi như một người hùng.
Giống với trường hợp của Luis Suarez và Sergio Ramos, những gì mà Hậu làm chỉ mang lại lợi ích cho đội tuyển cũng như CLB. Mẫu cầu thủ như Văn Hậu mang một lợi thế lớn cho đội tuyển và CLB khi gây ức chế đối thủ, điều mà chính các đội bóng đó đã từng làm với bóng đá Việt Nam trước đây khiến NHM không khỏi bức xúc. Thế nhưng cầu thủ sinh năm 1999 lại hứng phải nhiều chỉ trích từ chính CĐV nhà bởi họ đòi hỏi đội tuyển Việt Nam không những phải thắng mà còn là một chiến thắng đẹp mắt.
Một ví dụ khác là tại V.League, khi công nghệ VAR chuẩn bị được triển khai. Nhiều bộ phận CĐV đã không ngớt lời chỉ trích là tốn kém, công nghệ hóa ra chỉ là do con người vận hành, miệt thị tổ trọng tài bằng những lời lẽ khó nghe, v.v… Trong khi đó, nhiều giải bóng đá trên thế giới cũng đã nhanh chóng đưa VAR vào vận hành nhằm nâng cao chất lượng của giải và được khen ngợi, thì với những CĐV Việt Nam lại chỉ trích ngược lại để phủ nhận những nỗ lực của ban tổ chức giải đấu.
Trên thực tế, tiêu chuẩn kép không chỉ dừng lại ở một vài câu chuyện được admin tổng hợp mà còn diễn ra ở những vấn đề khác liên quan đến bóng đá Việt Nam. Nếu bạn quan tâm thì có thể xem thêm: https://www.facebook.com/groups/195982199277306/search/?q=ti%C3%AAu%20chu%E1%BA%A9n%20k%C3%A9p
Kết luận
Tiêu chuẩn kép của cổ động viên bóng đá Việt Nam dựa nhiều vào cảm tính, không có tư duy logic để nhìn nhận sự việc một cách công tâm nhất. Không chỉ có cổ động viên, ngay cả giới truyền thông hoặc bất kỳ người nào cũng đều có những lời lẽ và hành động tiêu chuẩn kép.
Còn với riêng bản thân admin, mình cũng từng gặp phải trường hợp bị đối xử theo kiểu tiêu chuẩn kép. Ví dụ như mình và những người khác cùng đăng về một chủ đề, quan điểm cũng khá giống nhau nhưng những người đó thì được khen là nói hay, viết hay còn admin thì bị chỉ trích tơi tả, thậm tệ. Thậm chí người đó còn “rao giảng” cho mình một “khóa dạy đạo đức” với lời khuyên nhủ admin bớt lên mạng nói về những câu chuyện đó.
Vì đây là trang web blog nên BLV Vĩnh Toàn cũng chia sẻ chút ít về câu chuyện của bản thân admin. Admin xin một lần nữa nhấn mạnh rằng đây là bài viết dựa trên quan điểm cá nhân, nhiều độc giả có thể đồng quan điểm nhưng cũng có không ít người có quan điểm khác với mình. Mình mong rằng các bạn hãy để lại những dòng bình luận một cách văn minh nhất.
Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!