VPF là gì? Sự khác biệt giữa VPF và VFF ra sao?

VPF là gì? Sự khác biệt giữa VPF và VFF ra sao?

VPF là đơn vị quản lý chính thức của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam như V.League 1, giải hạng Nhất Quốc gia và Cúp Quốc gia. Tuy nhiên, không ít người vẫn nhầm lẫn giữa VPF và VFF có sự khác biệt ra sao. Hãy cùng BLV Vĩnh Toàn tìm hiểu xem VPF là gì qua phần nội dung sau đây của bài viết.

VPF là gì?

VPF là tên viết tắt của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (tên tiếng Anh là Vietnam Professional Football Joint Stock Company). Đây là tổ chức hoạt động ở lĩnh vực bóng đá dưới dạng công ty cổ phần với những thành viên sáng lập là các cổ đông.

Sự ra đời của VPF như thế nào?

VPF ra đời vào năm 2011 trong bối cảnh Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và V.League đã hình thành và hoạt động hơn 10 năm nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Mâu thuẫn chủ yếu là quyền lợi không được cân đối giữa Ban tổ chức giải khi đó là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và các doanh nghiệp đầu tư cho các CLB bóng đá chuyên nghiệp.

VPF là gì? Sự khác biệt giữa VPF và VFF ra sao?

Đỉnh điểm là tại Cuộc hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của VFF, ông Nguyễn Đức Kiên (chủ tịch CLB Hà Nội ACB lúc này) – người vốn dĩ không được mời tham dự cuộc họp, đã bất ngờ phát biểu gây sốc với việc đưa ra nhiều điểm yếu kém trong công tác tổ chức và điều hành của VFF. “Bầu” Kiên cũng tuyên bố sẽ có các CLB rút khỏi V.League và hình thành một giải đấu mới mang tên “Super Liga”. Trước tình hình này, VFF có cuộc họp riêng giữa Chủ tịch các CLB thay cho Hội nghị bất thường Ban chấp hành VFF do các ông bầu đội bóng đề xuất nhằm cải tổ lại cách tổ chức và điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp.

Ban đầu, VFF chỉ muốn tìm ban điều hành tạm thời cho mùa giải mới năm 2012 nhằm xoa dịu sự bức xúc của các doanh nghiệp bóng đá. Tuy nhiên, cách làm này không nhận được sự đồng ý của các ông bầu và nhóm những ông bầu này đã thành lập một đề án công ty cổ phần tổ chức sự kiện bóng đá chuyên nghiệp do bầu Kiên đề xuất và soạn thảo. Ngoài CLB Hà Nội ACB, có 6 đội bóng khác cũng tham gia vào dự án và gây áp lực lên VFF.

Trước sức ép từ các ông bầu, giới truyền thông, dư luận và đặc biệt là tuyên bố Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ đề án, VFF buộc phải nhượng bộ và thông qua đề án của nhóm các ông bầu tại đại hội thường niên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam vào ngày 4/11/2011.

Vào ngày 29/11/2011, VFF cùng đại diện 25 CLB bóng đá chuyên nghiệp (14 đội V.League và 10 đội đang chơi ở giải hạng Nhất) đã đi đến thống nhất về việc cấp phép hoạt động cho Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Các bên đã ký vào các văn bản theo thủ tục để trình lên Sở Kế hoạch – Đầu tư Hà Nội. Đây được coi là Đại hội cổ đông thành lập VPF với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỷ đồng, trong đó VFF nắm phần cổ đông lớn nhất (35,4%) vốn điều lệ, các đội chơi tại V.League đóng góp 54,6% cổ phần và các đội chơi ở giải hạng Nhất đóng góp 10% cổ phần.

VPF là gì? Sự khác biệt giữa VPF và VFF ra sao?
Bầu Kiên là một trong những nhân tố tác động đến sự ra đời của VPF

Sự khác biệt giữa VPF và VFF

Sự khác nhau giữa VPF và VFF chủ yếu đến từ cách thức hoạt động và vai trò trong bộ máy điều hành.

VFF là tổ chức xã hội được FIFA công nhận, không phải chịu sự tác động nào từ nhà nước. Tuy nhiên, VFF lại chịu ảnh hưởng từ Cục Thể dục Thể thao trong công tác quản lý môn bóng đá. Cách thức VFF hoạt động và điều hành V.League là sao cho cả mùa giải diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và kết thúc êm đẹp, các CLB có sân chơi và người dân địa phương vẫn có một món ăn tinh thần là môn thể thao vua.

Trong khi đó, các ông bầu khi đã muốn đầu tư vào một CLB bóng đá chuyên nghiệp thì phải bỏ ra rất nhiều tiền. Đối với họ, việc làm với bóng đá là một việc nghiêm túc và hạn chế việc vứt tiền ra cửa sổ, làm bóng đá cũng là công việc đầu tư mà đối với các ông bầu thì phải có lãi. Đây được coi là nguyên nhân chính cho việc thành lập VPF.

Hiện tại, VFF nắm giữ vai trò tổ chức, điều hành các giải trẻ cũng như xây dựng, vung đắp cho các đội tuyển quốc gia. VFF cũng là tổ chức đóng vai trò nhiều vào chuyên môn như công tác huấn luyện, trọng tài với các ban hoặc cơ quan chuyên môn như Hội đồng HLV quốc gia, Ban trọng tài, Ban tư cách cầu thủ,…

VPF là gì? Sự khác biệt giữa VPF và VFF ra sao?
Ông Nguyễn Minh Ngọc – Tổng giám đốc Công ty VPF

Còn VPF thì lại ở một vai trò khác là lợi nhuận, không chỉ có giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại được VPF điều hành, mà ngay cả những giải đấu hàng đầu ở châu Âu cũng rất đề cao về lợi nhuận, thu hút sự đầu tư từ nhiều đơn vị đến với CLB và cũng như giải đấu. VPF có những nỗ lực lớn trong việc cải tổ V.League và các giải bóng đá chuyên nghiệp khác nhằm giúp bóng đá Việt Nam được chuyên nghiệp hóa để hòa nhập với xu thế chung của bóng đá thế giới.

Theo ông Phạm Ngọc Viễn, nguyên Giám đốc Điều hành VPF cho biết bản đề án bóng đá chuyên nghiệp từng được đề xuất thành lập công ty trung gian điều hành giải đã có từ năm 2000, nhưng VFF lưỡng lự và phải chờ 11 năm sau đề xuất đó mới đi vào thực tiễn. Công ty trung gian đó vẫn đứng trong VFF nhưng được tách ra độc lập để tổ chức giải. Đơn cử như giải Ngoại hạng Anh, Bundesliga, K League hay J1 League đều được điều hành bởi công ty cổ phần.

VPF điều hành các giải đấu nào?

Kể từ năm 2012, VPF được giao quyền quản lý và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam gồm V.League 1 (giải Vô địch Quốc gia), V.League 2 (giải hạng Nhất Quốc gia) và Cúp Quốc gia.

Vừa rồi, BLV Vĩnh Toàn giúp bạn tìm hiểu về VPF là gì. Nếu thấy bài viết hay và bổ ích, hãy CLICK VÀO ĐÂY để ủng hộ tôi bằng một ly cà phê nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status